Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



Nỗi đau da cam và nghi lực phi thường
08:07, 03/09/2011

Năm 2010, khi tham dự đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Tây Ninh, người khiến tôi không thể nào quên là anh Phan Thành Thương, con người vượt qua tật nguyền, nghịch cảnh để vươn lên.

Trước giờ hội nghị, tôi được gặp gỡ, trò chuyện với anh thanh niên với hai cánh tay ngắn chỉ bằng một phần ba người bình thường và chỉ có một ngón - anh là đại diện cho những người con ưu tú tỉnh Tây Ninh. Tôi gặp gỡ anh, tự giới thiệu về mình và rất muốn được tìm hiểu hoàn cảnh của anh. Anh cười buồn chậm rãi kể về cuộc đời của mình. Khi mới sinh, hai cánh tay của anh chỉ là hai mẩu cụt lủn với một ngón chìa ra mỗi bên, hậu quả của thứ thuốc khai quang mà máy bay Mỹ ngày nào rải mù trời khu vực rừng Tà Băng - Tây Ninh. Thấy vậy, ba đặt tên anh là Phan Thành Thương. Cái tên có ý nghĩa từ tình thương của ba mẹ và sự gởi gắm mong mỏi anh nhận được tình thương mến của người đời.

 

Hồi nhỏ khi đi học, anh hay bị bạn bè trêu chọc, thậm chí bị tránh xa vì hình dáng kỳ dị. Lúc đầu, anh Thương tập viết bằng chân rồi chuyển sang viết bằng tay cho đỡ mỏi. Anh kẹp cây bút vào giữa bắp tay và cánh tay để viết, tập đi tập lại đến kỳ được mới thôi. Tuy nhiên, dường như anh là người không may mắn, cố gắng đi học nhưng đến khi thi tốt nghiệp THCS do viết bài chậm, cây viết không chịu nằm trong bắp và cánh tay nên lại rớt tốt nghiệp. Chán nản, buông xuôi nhưng nhờ một người thầy cũ khuyên bảo, anh xin ba cho đi học nghề. Anh học tận TP HCM do tỉnh không có trường dạy nghề cho trẻ khuyết tật. Tại đây, lần đầu, anh thấy được máy vi tính... vậy là đam mê. Sau đó, anh đăng ký học luôn một khóa kỹ thuật viên.

Năm 2002, cầm tấm bằng kỹ thuật viên tin học về nhưng nhà lại không có máy vi tính. Thương con, ba anh bán luôn miếng ruộng mua cho chiếc máy vi tính xịn. Một người trong xóm biết được anh học vi tính nên đem con tới gửi học. Từ đó, anh Thương trở thành thầy giáo dạy tin học. Nhân lúc Ủy ban nhân dân xã Phước Vĩnh vừa xây xong Trung tâm Học tập Cộng đồng, anh mượn một phòng để dạy cho mọi người.

Với giúp đỡ của địa phương, anh vay được 30 triệu đồng, mua 10 cái máy vi tính cũ để dạy các em học sinh. Đến nay, anh đã dạy được cho gần 300 học sinh, trong đó có 60 em không phải nộp học phí vì có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật. Ngoài ra, nhờ địa phương và các nhà hảo tâm nên anh cũng đã có tiền để mua sắm thêm trang thiết bị máy móc, nâng cấp phòng làm việc. Anh cũng làm thêm các việc khác như ôn thi cho học sinh lấy chứng chỉ A, sửa chữa máy vi tính, chụp hình thẻ… thu nhập khoảng 2.000.000 đồng một tháng, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Tôi cứ như cuốn hút vào câu chuyện cuộc đời của anh Thương nếu như không có tiếng chuông báo hiệu giờ vào đại hội. Tuy nhiên, tôi cũng kịp hỏi anh thêm về cuộc sống gia đình riêng. Anh trải lòng: “Có lẽ, người ta cảm mến mình nên năm 2007 tôi đã lập gia đình cùng với một cô thôn nữ cùng địa phương tên là Cúc". Một năm sau, vợ anh mang thai. Lúc đó, anh rất sợ con bị giống mình.

6 lần siêu âm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh và Bệnh viện tư nhân đều cho kết quả bình thường vậy mà đến khi sinh, con cũng không có hai bàn tay giống anh. "Cứ tưởng có đứa con sau này làm chỗ dựa cho mình, khi nào cần cái gì trên cao nó với lấy dùm ba. Vậy mà, bây giờ mình phải tự làm mọi thứ cho nó”, anh trầm ngâm. Đến giờ vào đại hội, tôi tạm biệt anh, quay vội để giấu những giọt nước mắt. Tôi thầm chúc cho anh sẽ đạt được những ước mơ, hoài bão của mình, chúc cho gia đình anh luôn luôn được hạnh phúc, vượt qua những khó khăn và nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống.

“Đôi bàn tay kỳ diệu” đó đã giúp cho chủ nhân của nó làm được bao nhiêu việc có ích cho gia đình, cho xã hội. Anh Thương đã sống bằng niềm tin, bằng nghị lực của chính bản thân vào câu nói của Bác Hồ: “Tàn nhưng không phế”. Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Mỹ rải chất độc đầu tiên xuống miền Nam Việt Nam. 50 năm trôi qua nhưng nạn nhân chất độc da cam vẫn còn đó những nỗi đau. Cả nước chúng ta cũng đang từng ngày, từng giờ “chung tay góp sức” đóng góp, ủng hộ cho các nạn nhân chất độc da cam nhằm xoa dịu nỗi đau da cam, nỗi đau của nhiều thế hệ.

Huỳnh Đăng

Nguồn: VnExpress.net

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới