 Dự kiến, một khoá tập huấn dành cho 20 người khuyết tật nặng các dạng bại não, tổn thương cột sống và bại liệt muốn trở thành Tư vấn viên đồng đẳng
sẽ được Trung tâm Sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội tổ chức vào 18-21/2/2009 tại Hà Nội. Bạn đã biết về Phong trào Sống độc lập và Trung tâm Sống độc lập chưa? 'Sống độc lập' không có nghĩa là bạn phải tự làm mọi việc hay là sống một mình. Sống độc lập có nghĩa là với sự trợ giúp của xã hội và cộng đồng, người khuyết tật có thể sống hoà nhập. Thực chất, sống độc lập có nghĩa là người khuyết tật có thể Tự quyết định và điều khiển toàn bộ sự hỗ trợ của người khác đối với mình, trong đó có việc sử dụng các thiết bị trợ giúp cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của bản thân; Tiếp cận một cách bình đẳng với người không khuyết tật trong các cơ hội về nhà ở, giao thông vận tải, y tế, giáo dục - đào tạo, việc làm và các phúc lợi, dịch vụ xã hội khác. Trung tâm sống độc lập (TTSĐL) đầu tiên trên thế giới đã được Ed Robert, một người khuyết tật vận động nặng, phải sử dụng máy thở, thành lập năm 1972 ở Berkeley, Hoa Kỳ. Kể từ đó, TTSĐL đã được nhân rộng và phát triển mạnh ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Trong vòng 8 năm (1999 – 2007) ba Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu các TTSĐL đã được tổ chức. Hội nghị gần đây nhất được tổ chức vào tháng 9/2007 tại Seoul, Hàn Quốc, với quyết nghị tạo lập mạng lưới các TTSĐL ở các châu lục. Quyền sống độc lập của người khuyết tật và yêu cầu cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập đã được nêu rõ tại Điều 19 Công ước về quyền của người khuyết tật vừa có hiệu lực trên toàn cầu vào đầu tháng 5/2008. Tại Châu Á, TTSĐL đầu tiên của Nhật Bản (Hội chăm sóc con người - HCA) đã được thành lập vào năm 1986 với chủ tịch là ông Shoji Nakanishi, một người khuyết tật nặng do tổn thương cột sống. Năm 1988 HCA đã tổ chức tập huấn chuyên sâu về tư vấn đồng đẳng lần đầu tiên tại Nhật Bản. 30 người khuyết tật từ khắp Nhật bản đã tham dự và tạo ra một sức ảnh hưởng lớn. Năm 1991 Hội đồng các Trung tâm sống độc lập Nhật Bản (JIL) đã được thành lập với 130 tổ chức thành viên và bầu ông Shoji Nakanishi làm Chủ tịch. Các hoạt động tự vận động tuyên truyền và dịch vụ của mạng lưới này dành cho người khuyết tật nặng đã tạo lập một ảnh hưởng lớn tới Chính phủ Nhật Bản. Năm 1996, một trong những dịch vụ quan trọng của TTSĐL là "tư vấn đồng đẳng" đã trở thành một trong 5 dự án lớn nhất nhằm hỗ trợ người khuyết tật của Chính phủ Nhật Bản. Như vậy, Trung tâm sống độc lập và tư vấn đồng đẳng đã được công nhận trên toàn quốc. Kể từ năm 2000 đến 2007, phong trào sống độc lập đã từ Nhật Bản lan sang các quốc gia ở Châu Á là Hàn Quốc, Thái Lan, Philippin, Malaysia, Pakistan. TTSĐL đặc biệt có ảnh hưởng lớn đối với các nạn nhân động đất 2005 ở Pakistan và các nhân viên cứu trợ tại đây. Chứng minh được tính hữu ích của mình, ngày nay TTSĐL ở Pakistan đã được Chính phủ cấp kinh phí hoạt động. Năm 2008 Tổ chức Người khuyết tật khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (DPI A/P) phổ biến Khái niệm và Nguyên lý sống độc lập tới Nhóm Vì tương lai tươi sáng của người khuyết tật (BF). Trong ba năm tới (2009-2011) DPI A/P và Hội Người khuyết tật Hà Nội sẽ hỗ trợ nhóm BF thành lập Trung tâm sống độc lập đầu tiên tại Hà Nội. Trong giai đoạn đầu tiên, những người khuyết tật nặng dạng bại não, tổn thương cột sống và bại liệt cần sử dụng xe lăn sẽ là những người đầu tiên sử dụng dịch vụ của Trung tâm. Dự kiến, Lễ Khai mạc Trung tâm sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 17/2/2009 tại Hà Nội. Vậy, Trung tâm sống độc lập là gì? Trung tâm sống độc lập không phải là một nơi sinh sống. Đây là một tổ chức tư, không lợi nhuận và dựa vào cộng đồng. Tại đây, người khuyết tật tuyên truyền và tư vấn cho người khuyết tật khác về sống độc lập, khuyến khích họ làm việc và hoà nhập; đồng thờicung cấp sự trợ giúp tích cực cho người khuyết tật thuộc tất cả dạng tật. Mục đích của Trung tâm này là hỗ trợ từng cá nhân khuyết tật để họ phát huy được tiềm năng của mình ở mức cao nhất ngay tại gia đình và cộng đồng. Trung tâm Sống độc lập cũng là một tiếng nói mạnh mẽ để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận nhà ở, việc làm, giao thông, giao tiếp, các phương tiện giải trí và các dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội một cách bình đẳng như những người không khuyết tật. Trung tâm sống độc lập hoạt động theo các nguyên tắc: 1) Lãnh đạo chủ chốt của Trung tâm sống độc lập là những người khuyết tật nặng. 2) Hơn 51% các thành viên chủ chốt của Trung tâm sống độc lập là người khuyết tật. 3) Cung cấp các dịch vụ tư vấn đồng đẳng, thiết kế chương trình đào tạo kỹ năng sống độc lập, cung cấp người hỗ trợ cá nhân; và cung cấp thông tin về phúc lợi xã hội, cách sửa chữa nhà cửa theo hướng tiếp cận, …). 4) Trung tâm sống độc lập cung cấp hỗ trợ cho nhiều dạng khuyết tật. Một trong những hoạt động quan trọng của Trung tâm Sống độc lập là Tư vấn đồng đẳng do những người khuyết tật thực hiện. Chúng ta gọi việc một người khuyết tật trở thành nhà tư vấn và đồng thời cũng được một người khuyết tật khác tư vấn là "tư vấn đồng đẳng". Mục đích của tư vấn đồng đẳng là phục hồi sự tự tin của người khuyết tật; xây dựng lại mối quan hệ con người và làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Các hoạt động tư vấn đồng đẳng bao gồm chia sẻ kinh nghiệm về sống độc lập, thông tin về nhà ở, kỹ năng sử dụng người hỗ trợ cá nhân, hiểu biết về phương pháp sử dụng các nguồn lực xã hội, tham khảo các việc làm phù hợp và hàng loạt phương pháp tự vận động tuyên truyền cho bản thân. Tư vấn đồng đẳng hỗ trợ tích cực cho việc nhận biết về sống độc lập trong cộng đồng thông qua việc lắng nghe lẫn nhau ở vị trí ngang hàng. Dự kiến, một khoá tập huấn dành cho 20 người khuyết tật nặng các dạng bại não, tổn thương cột sống và bại liệt muốn trở thành Tư vấn viên đồng đẳng sẽ được Trung tâm Sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội tổ chức vào 18-21/2/2009 tại Hà Nội. Một hoạt động không kém phần quan trọng để duy trì cuộc sống độc lập của người khuyết tật nặng tại cộng đồng là cung cấp người hỗ trợ cá nhân tại gia. Đây là hoạt động duy nhất của người không khuyết tật tại trung tâm sống độc lập. Trong thời gian đầu của TTSĐL Hà Nội, các tình nguyện viên sẽ là nguồn nhân lực trở thành người hỗ trợ cá nhân tại gia. Khác với tình nguyện viên thông thường, những người hỗ trợ cá nhân là những người được trả lương. Việc xây dựng và duy trì tốt mối quan hệ giữa người khuyết tật sử dụng dịch vụ và người hỗ trợ cá nhân cũng là một cách thức tốt nhằm lập lại mối quan hệ con người mà người khuyết tật nặng có một thời gian dài sống cô lập tại các trung tâm bảo trợ hoặc trong gia đình đã quên đi, hoặc chưa bao giờ biết tới. Công ước về quyền của người khuyết tật" nói gì về Sông Độc lập? Điều 19 - Sống độc lập và hoà nhập cộng đồng Các quốc gia thành viên Công ước này công nhận người khuyết tật có quyền được sống bình đẳng trong cộng đồng, có những sự lựa chọn bình đẳng với những người khác và sẽ tiến hành những biện pháp hữu hiệu và thích hợp để tạo điều kiện cho người khuyết tật được hưởng thụ đầy đủ quyền này và bảo đảm sự hoà nhập và tham gia đầy đủ của họ vào cộng đồng, bao gồm bảo đảm rằng: a. Người khuyết tật có cơ hội lựa chọn nơi sinh sống và họ sống ở đâu và với ai, trên cơ sở bình đẳng với những người khác và không bị bắt buộc phải sống ở nơi nuôi dưỡng cụ thể nào; b. Người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tại nhà, tại khu vực sinh sống và trong cộng đồng, bao gồm sự hỗ trợ cá nhân cần thiết nhằm trợ giúp cho việc sống và hoà nhập cộng đồng, đồng thời ngăn chặn việc cô lập hay tách họ ra khỏi cộng đồng; c. Phải có các dịch vụ và hạ tầng cơ sở công cộng để người khuyết tật sử dụng trên cơ sở bình đẳng với những người khác và phù hợp với nhu cầu của người khuyết tật; TRUNG TÂM SỐNG ĐỘC LẬP CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT HÀ NỘI 42 Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội
Địa chỉ thư điện tử này đã được bảo vệ khỏi các chương trình thư rác, bạn cần bật JavaScript để xem nó
|