Băng quảng cáo
Băng quảng cáo



Những điều bất cập trong thực hiện các quy định pháp luật trong môi trường giao thông cho người khuyết tật
20:18, 11/10/2010

Quyền tự do đi lại là một trong những quyền cơ bản của con người. Điều đó đã được ghi nhận trong các Công ước quốc tế về quyền con người (điều 13); Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (điều 68:

Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước… theo quy định của pháp luật).Đối với người khuyết tật (NKT), nhu cầu đi lại và tham gia giao thông, ngoài tính phổ biến áp dụng cho những thành viên bình thường khác của xã hội, còn có tính chất hết sức bức thiết, bởi vì đó là một trong những phương tiện để NKT được tiếp cận với các cơ hội thông tin, việc làm, vui chơi giải trí, nhu cầu hòa nhập xã hội và phục hồi chức năng. Giao thông là một trong những cầu nối giúp NKT có thể hòa nhập cộng đồng và là một trong những phương tiện thể hiện quyền bình đẳng của NKT trong xã hội.

Công ước quốc tế về quyền của NKT quy định: “Điều 20 – Sự di chuyển của cá nhân: Các quốc gia tham gia Công ước này… đảm bảo sự độc lập trong đi lại của NKT ở mức cao nhất có thể…”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của giao thông trong đời sống sinh hoạt của NKT, bước sang Thập kỷ thứ hai của NKT, Uỷ ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP) đã đưa mục tiêu xây dựng môi trường tiếp cận giao thông vận tải cho NKT thành 1 trong 7 lĩnh vực ưu tiên của Chương trình hành động Thiên niên kỷ Biwako 2002.

Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên vấn đề đi lại, tham gia giao thông của NKT, trong đó:

- Pháp lệnh về NKT: “Điều 26: Việc đầu tư xây dựng mới… chế tạo các dụng cụ sinh hoạt, phương tiện giao thông… phải tính đến nhu cầu sử dụng thuận tiện của NKT…”.

- Nghị định 55/1999/NĐ-CP quy định điều 16, khoản 4: “… Bộ GTVT quy định chế độ ưu tiên khi đi tàu xe công cộng và giảm, miễn cước phí, miễn phí vận chuyển xe lăn, xe đẩy phục vụ sự di chuyển áp dụng cho NKT”…

- Luật Giao thông đường bộ 23/2008: Điều 3 khoản 18 và 19 về giải thích từ ngữ có đề cập đến phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ đường bộ mà NKT sử dụng. Điều 11 khoản 4 quy định “…nhường đường cho người đi bộ và xe lăn của NKT qua đường”. Điều 33: NKT, người già yếu tham gia giao thông… Điều 44, khoản 1 quy định: Công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo phải bảo đảm… NKT đi lại an toàn thuận tiện”. Điều 59, khoản 3 quy định: “NKT điều khiển xe mô tô dùng cho NKT được cấp giấy phép lái xe hạng A1”. Điều 79, khoản 5: “UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về… vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của NKT”.

- Luật đường sắt 35/2005: Điều 21, khoản 1 quy định: “ga hành khách phải có công trình dành riêng phục vụ hành khách là NKT”; Điều 43, khoản 3 quy định: “Trên toa xe khách phải có… thiết bị phục vụ người khuyết tật; Điều 97, khoản 2 quy định: Doanh nghiệp đường sắt có nghĩa vụ “Phục vụ hành khách văn minh, lịch sự, chu đáo và tổ chức lực lượng phục vụ hành khách là NKT vào ga, lên tàu, xuống tàu thuận lợi”…

Tuy nhiên, ở Việt Nam có một khoảng cách khá xa giữa những quy định pháp lý rất ưu đãi NKT với việc thực hiện những quy định đó. Về những điều bất cập trong môi trường giao thông đối với NKT xin tham khảo phần đầu trong tài liệu nghiên cứu “Chiến lược giao thông tiếp cận” do Nhóm nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cách đây 2 năm (2008) mà đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong bài viết này tôi chỉ xin đề cập đến một số vấn đề nổi cộm trong môi trường giao thông cho người khuyết tật:

Vấn đề lớn thứ nhất: Ý thức của người tham gia giao thông, đó là ý thức chấp hành luật lệ giao thông của NKT, là thái độ phục vụ của nhân viên điều khiển phương tiện giao thông và những chế độ chính sách dành cho NKT. Ở đây tâm lý tùy tiện rất phổ biến, thậm chí cả trong cán bộ, nhân viên ngành giao thông: Có hai trường hợp:

1. Trình độ nhận thức kém, không chịu học tập dẫn đến hành động thiếu văn hóa đối với NKT. Thí dụ:

- Có trường hợp, một số lái xe taxi từ chối chở NKT hay những tài xế xe buýt coi NKT có vé miễn phí như những người được bố thí và phân biệt đối xử với họ (đã có trường hợp tài xế lái xe buýt đuổi khách KT xuống đường);

- Chuyện cầu tàu ở Hạ Long làm tốn hàng trăm triệu đồng nhưng bị phá bỏ không thương tiếc.

- Đường dốc ở Triển lãm Giảng Võ làm nhân dịp Campaign 2001 bị đập bỏ sau khi kết thúc Hội nghị.


2. Biết nhưng vẫn cố tình lờ đi vì nghĩ là không bị phạt. Thí dụ:

- Trường hợp một số nhân viên đường sắt ở các ga cố tình lờ việc hỗ trợ NKT lên xuống tàu, kể cả khi được nhờ.

- Chuyện đại lý vé máy bay không chịu báo cho sân bay biết chuyến bay có NKT đi xe lăn.

- Nút giao thông Kim Liên: Nhà thầu chính đã có thiết kế tiếp cận cho NKT, nhưng các nhà thầu phụ, khi làm, đã lờ đi. DP Hà Nội đã phải có công văn gửi UBND thành phố về việc này.

- Những công trình phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long như: chỉnh trang vỉa hè, nhiều nơi phá hết những lối tiếp cận cho NKT như ở khu vực Hồ Tây, đường Văn Cao, đường Hoàng Quốc Việt…

Vấn đề lớn thứ hai: Đó là quy trình thông qua những văn bản pháp quy của chính phủ, một số bỏ qua những công đoạn rất quan trọng cần phải làm trước khi ban hành văn bản như điều tra, khảo sát, nghiên cứu xã hội học, soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân, ban hành rồi sửa đổi. Kết quả là nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bị bóp méo, hoặc không khả thi, hoặc thực hiện nửa vời. Thí dụ:

- Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của NKT điều khiển xe cơ giới: Bộ Y tế chỉ căn cứ vào những ý kiến của các chuyên gia y tế. Việc tham khảo ý kiến của NKT rất hình thức, không tôn trọng ý kiến của họ. Khi NKT đề nghị sửa đổi những câu chữ hoặc tiêu chuẩn bất hợp lý thì bị lờ đi. Cuối cùng đã đưa ra những quy định rất chủ quan, kể cả cho những người không khuyết tật.

- Nghị quyết 32 CP về Kiềm chế tai nạn giao thông, trong đó có nội dung xử lý xe 3 bánh tự chế. Không thể phủ nhận những thành tựu của việc thực hiện Nghị quyết này. Nhưng nội dung về xe ba bánh tự chế là không khả thi, vì thiếu điều tra, thiếu lộ trình; dẫn đến việc lùi thời hạn xử lý đến mấy lần, và không biết tương lai sẽ còn lùi đến mấy lần nữa.

- Chủ trương hỗ trợ NKT thay đổi phương tiện cũng không khả thi. Xin trích lời một NKT: “Chiếc xe ba bánh này đã giúp tôi nuôi sống cả gia đình, đưa con đi học, làm kinh tế, quan hệ xã hội, đáp ứng nhu cầu giao tiếp. Nếu không có xe đi, tôi không biết mình phải làm gì ở nhà, không thể giúp được gia đình. Tôi không thể tham gia các phương tiện giao thông công cộng vì cả hai chân tôi bị cứng khớp”.

- Vấn đề lớn thứ ba là cơ chế thực hiện những quy định của pháp luật: Những quy định này nhiều khi rất nhiêu khê, chồng chéo, nhiều quy định còn triệt tiêu kết quả của nhau. Đặc biệt là không có chế tài xử phạt. Thí dụ:

- Các công trình xây dựng công cộng, các điểm văn hóa – lịch sử, vui chơi, giải trí đều thiếu tính tiếp cận: Văn Miếu, các đền chùa, Bảo tàng (trừ Bảo tàng Dân tộc học)…

- Việc nhập khẩu xe ba bánh của Cty TTH: Cơ quan kiểm định áp dụng những tiêu chuẩn của xe 2 bánh cho xe 3 bánh, những tiêu chuẩn mà bên Trung Quốc cho phép thì Việt Nam không cho; Hải quan thì buộc phải chứng minh đây là xe dành cho NKT mới được miễn, giảm thuế…

- Việc đăng ký xe của NKT: Mỗi nơi một khác, thủ tục không rõ ràng, rất phiền hà; NKT hiện nay vẫn không được thi lấy bằng lái mặc dù đã có chủ trương của Nhà nước cho phép…

Những vấn đề trên xuất phát từ những nguyên nhân sau: 1) Vấn đề nâng cao nhận thức chưa được quan tâm thích đáng; khen thưởng, xử phạt không nghiêm minh; 2) Thiếu chỉ dẫn cụ thể trong việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Nhà nước; 3) Việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng chưa tốt; 4) Nhận thức của NKT về quyền lợi của bản thân mình cũng chưa cao, NKT nhiều khi không biết mình được hưởng những quyền gì để đòi hỏi.

Chúng ta vẫn truyền miệng câu châm ngôn: “Cho cần câu chứ không cho con cá”. Nhưng, thử hỏi NKT có cần câu rồi mà không có đường ra sông thì làm sao câu được cá, lấy gì mà ăn đây? Nói như vậy để thấy tầm quan trọng của vấn đề tiếp cận (trong đó có giao thông tiếp cận) đối với NKT.

Nguyễn Trung

Nguồn: tapchihuongnghiep

Thêm nhận xét


Security code
Không rõ, lấy lại hình mới